Xạ trị (Liệu pháp xạ trị): Cách thức hoạt động và những gì liên quan?

Đóng góp bởi: Bác Sĩ Edward Yang Tuck Loong

Đúng mục tiêu

Xạ trị là một phương pháp điều trị ung thư đã được xác định. Bác sĩ Edward Yang thuộc Trung tâm Ung thư Parkway chia sẻ cách thức hoạt động và những gì có liên quan. Điều trị xạ, hay xạ trị, đóng một vai trò quan trọng trong phương pháp tiếp cận đa ngành về việc chăm sóc ung thư, bao gồm phẫu thuật và hóa trị. Trong một số chẩn đoán, xạ trị có thể đóng vai trò cứu chữa then chốt như một phương thức chính trong điều trị khối u. Nó cũng có thể được sử dụng là phương pháp hỗ trợ hoặc sau phẫu thuật để tăng cường kiểm soát khối u nguyên phát và do đó, cải thiện cơ hội cứu chữa lâu dài. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị giảm nhẹ bệnh ung thư tiến triển và di căn. Do đó có thể xạ trị trước, trong hoặc sau các phương pháp điều trị ung thư khác như phẫu thuật, hóa trị và liệu pháp miễn dịch để cải thiện tỷ lệ điều trị thành công. Dùng phương pháp này như nào và khi nào sẽ phụ thuộc vào loại ung thư đang được điều trị, tình trạng và mức độ nghiêm trọng của bệnh, và liệu mục tiêu điều trị là cứu chữa hay giảm nhẹ. Xạ trị dùng tia X năng lượng cao để phá hủy DNA của các tế bào ung thư, do đó làm các tế bào khối u chết trong quá trình cố gắng nhân lên. Vì vậy nó ngăn chặn sự phát triển của khối u và làm giảm khả năng di căn. Vì nó làm giảm kích thước và tác động của khối u, nên nó cũng có hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng như đau, chảy máu và tắc nghẽn. Để làm giảm đối đa tổn thương cho các cơ quan khỏe mạnh xung quanh, các chùm tia xạ thường được nhắm và “định dạng” chính xác nhất có thể, để chỉ hướng vào khối u hoặc phần của cơ quan bị bệnh. Với những tiến bộ công nghệ hiện đại về kỹ thuật và công nghệ kỹ thuật số, các chùm tia xạ có thể được định hình và điều chỉnh để phù hợp tối ưu với mục tiêu mà nó được thiết kế để nhắm đến. Do những tiến bộ này, nguy cơ tổn thương cùng bên, độ chính xác và do đó, hiệu quả xạ trị trong việc chữa khỏi ung thư hoàn toàn và giảm tác dụng phụ khi điều trị ung thư, đã tăng lên rõ rệt.

Các phương pháp điều trị kết hợp

Xạ trị có thể được sử dụng kết hợp với phẫu thuật, hóa trị hoặc liệu pháp miễn dịch. Ví dụ, có thể xạ trước khi phẫu thuật để co nhỏ khối u giúp cho việc lấy ra dễ dàng hơn. Cũng có thể xạ trong quá trình phẫu thuật để giảm khả năng ung thư quay trở lại; phương pháp này thường được thực hiện qua phương pháp xạ trị trong phẫu thuật, khi tia xạ được đưa trực tiếp vào khối u hoặc giường khối u trong khi phẫu thuật, do đó tránh được các mô bình thường gần đó. Cũng có thể xạ sau khi phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại như một phương pháp xạ trị hỗ trợ sau phẫu thuật. Xạ trị cũng thường được kết hợp với hóa trị, bao gồm thuốc truyền tĩnh mạch hoặc dạng uống để tác động đến các tế bào ung thư. Những loại thuốc này có thể làm tăng tính nhạy cảm của các tế bào đối với tia xạ - chúng tôi gọi đây là hóa xạ đồng thời. Khả năng thuốc làm “suy yếu” các tế bào khối u để xạ trị có kết quả và đáp ứng tốt hơn. Phương pháp này đặc biệt được thấy ở các khối u đầu và cổ, ung thư phổi và một số khối u não cũng như ung thư phụ khoa. Xạ trị cũng có thể được kết hợp với liệu pháp miễn dịch, một phương pháp điều trị mới giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư. Giống như việc kết hợp xạ trị với hóa trị hay phẫu thuật, có thể dùng xạ trị để bổ sung hiệu quả cho liệu pháp miễn dịch.

Xạ trị:

Những gì có liên quan

Quá trình điều trị xạ trị thường bao gồm các bước sau: Tư vấn: Bác sĩ ung thư xạ trị sẽ đưa ra và trao đổi các lựa chọn điều trị như dùng phương pháp xạ nào, tần suất và thời gian bao lâu, và các tác dụng phụ. Khi bệnh nhân quyết định xạ, thì sau đó sẽ được lên lịch chụp CT mô phỏng (CT sim). Chụp CT mô phỏng: Chụp CT mô phỏng để xác định chính xác tia xạ cần phân bổ như nào, tính toán đến vị trí, hình dạng và kích thước của khối u. Kỹ thuật định vị, cố định và vùng giải phẫu được quyết định tại quy trình này để có thể thực hiện kế hoạch xạ. Lập kế hoạch điều trị: Các hình ảnh lấy từ hình ảnh chụp CT mô phỏng được sử dụng để dự đoán chính xác liều xạ sẽ được đưa vào cơ thể bệnh nhân, điều này cho phép bác sĩ ung thư xạ trị xác định điều trị khối u như nào để có tác dụng phụ ít nhất. Các cơ quan liền kề và xen kẽ có nguy cơ (các cơ quan quan trọng) sẽ tránh được càng xa càng tốt và liều lượng đến chúng bị hạn chế theo kế hoạch sẽ được triển khai sau đó. Bác sĩ ung thư xạ trị sẽ đảm bảo đủ định vị khối lượng đích và biên điều trị an toàn. Sau đó, nó được chuyển cho kỹ sư y vật lý hoặc chuyên viên điều chỉnh liều lượng phóng xạ, người sẽ phát triển các tiếp cận (các kế hoạch) khác nhau để chiếu xạ vào khối u một cách an toàn và sẽ thảo luận với bác sĩ ung thư xạ trị người cuối cùng sẽ quyết định lựa chọn tốt nhất để đảm bảo phân phối liều tốt nhất vào khối u cũng như độ an toàn và nguy cơ tối thiểu cho các mô liền kề. Trước khi tiến hành kế hoạch điều trị đã lựa chọn, bác sỹ sẽ tiến hành một thử nghiệm đảm bảo chất lượng bằng cách sử dụng một mô hình giúp đảm bảo kế hoạch chính xác và có thể thực hiện được. Điều trị hàng ngày: Khi đã xác định đảm bảo chất lượng của kế hoạch, thì có thể bắt đầu xạ. Trong quá trình điều trị, sẽ dùng hướng dẫn bằng hình ảnh, có thể bằng hình ảnh cắt lớp chùm tia hình nón hoặc hình ảnh cổng điện tử, để đảm bảo độ chính xác hàng ngày của kế hoạch phân bổ. Hơn nữa, trong một số trường hợp, khi có sự thay đổi rõ rệt về kích thước hoặc hình dạng khối u của bệnh nhân do giảm cân hoặc tăng cân, có thể cần chụp CT mô phỏng khác và lên kế hoạch điều trị lại để đảm bảo an toàn và chính xác tia xạ được phân bổ cho bệnh nhân.  Trong quá trình điều trị, sẽ có các buổi tư vấn thường xuyên để xem xét và thảo luận về tiến trình điều trị của bệnh nhân. Tư vấn theo dõi: Sau khi kết thúc điều trị, các bác sĩ sẽ gặp bệnh nhân để tư vấn theo dõi. Việc theo dõi sẽ là sự nỗ lực của một đội ngũ các bác sĩ có liên quan khác. Thường sau đó sẽ là chụp chiếu và xét nghiệm máu khi cần.

Xạ trị: Bạn có thể làm gì

Nếu bạn đang trong quá trình xạ trị, thì đây là những gì bạn cần làm: Nghỉ ngơi nhiều: Trong quá trình xạ trị bạn có thể tiếp tục làm việc, nhưng hãy theo dõi tình trạng của bạn chặt chẽ và hãy nói cho bác sĩ nếu bạn cảm thấy đặc biệt mệt mỏi hoặc khó chịu. Điều quan trọng là phải nghỉ ngơi đầy đủ, vì nó sẽ giúp cho sự phục hồi của bạn hiệu quả hơn. Duy trì một tinh thần tích cực: Hãy để gia đình và bạn bè đồng hành với bạn trong quá trình điều trị. Nếu bạn đang phải vật lộn với đau khổ, lo lắng hoặc trầm cảm, hãy tìm sự giúp đỡ từ chuyên gia tư vấn. Có chế độ ăn uống cân bằng: Duy trì chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp bạn đối phó với các căng thẳng khi xạ trị. Bù nước: Uống nhiều các loại nước để giúp cơ thể chữa lành hiệu quả. Bảo vệ da: Da của bạn có thể nhạy cảm hơn sau khi xạ trị. Hãy dùng các loại kem dưỡng ẩm không chứa nước hoa và paraben để làm giảm kích thích và giữ vệ sinh cá nhân tốt để khu vực điều trị sạch sẽ và không bị nhiễm trùng. Đối phó với các tác dụng phụ: Các tác dụng phụ chung do xạ trị bao gồm buồn nôn, khát nước và mệt mỏi. Các tác dụng phụ cụ thể hơn sẽ phụ thuộc vào vùng điều trị. Các tác dụng phụ có thể xảy ra nhưng ngày nay với các kỹ thuật xạ trị tinh vi hơn, có rất ít tác dụng phụ. Các tác dụng phụ điển hình cho:
  • Xạ trị vùng sọ: Nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt, song thị và các triệu chứng thần kinh khác, rụng tóc tạm thời.
  • Xạ trị vùng đầu và cổ: Viêm niêm mạc và mất vị giác, khô miệng và tiết nước bọt quá nhiều, đau họng, đau khi nuốt, mất giọng, phản ứng da.
  • Xạ trị vùng ngực: Ho, khó chịu khi nuốt, khàn giọng.
  • Xạ trị vùng bụng và khung chậu: Viêm dạ dày, đau quặn và có khí trong ruột, tiêu chảy, đau nhẹ và đi tiểu nhiều.
  • Xạ trị vú: Đau vú nhẹ, phản ứng da nhẹ.

Nếu bạn mang thai hoặc lo lắng về khả năng sinh con

Ảnh hưởng của tia xạ đến khả năng sinh con phụ thuộc vào loại ung thư đang được điều trị. Ví dụ, xạ trị cho bệnh nhân ung thư vú sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh con, nhưng điều trị ung thư ở vùng bụng, cổ tử cung và khung chậu sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh con. Quan trọng là không nên mang thai cho đến khi kết thúc điều trị, vì tia xạ có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Và nếu bạn có kế hoạch sinh con, hãy nói với bác sĩ để hiểu rõ hơn về tác dụng phụ có thể có của xạ trị đối với khả năng sinh con và mang thai. Kok Bee Eng
GẮN THẺ các khối u, các tác dụng phụ phổ biến của điều trị ung thư, liệu pháp miễn dịch, ung thư và thai sản, xạ trị
Đọc thêm Ung thư phổi , Ung thư vú
ĐƯỢC PHÁT HÀNH 15 THÁNG TÁM 2019